Viêm lợi chảy máu chân răng ở trẻ là vấn đề dễ gặp phải do vệ sinh răng miệng chưa tốt. Vậy nguyên nhân, biểu hiện và cách chữa trị của bệnh là gì? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết này để có những kiến thức và kinh nghiệm cần thiết để bảo vệ răng miệng cho con yêu của bạn.
1. Nguyên nhân gây viêm lợi chảy máu chân răng ở trẻ
Trẻ nhỏ thường chưa biết cách và chưa có thói quen chăm sóc răng miệng thực sự tốt. Nếu cha mẹ lơ là, không để ý hướng dẫn thì rất dễ để xảy ra tình trạng chảy máu chân răng viêm lợi ở trẻ nhỏ.
Các nguyên nhân thường gặp khiến trẻ mắc tình trạng có thể kể đến là:
1.1. Do dùng bàn chải đánh răng quá cứng với trẻ
Nướu là phần rất dễ bị tổn thương nếu bị lực mạnh hoặc vật cứng tác động. Trẻ nhỏ thường chưa biết cách đánh răng đúng cách nên rất cần cha mẹ quan sát và hướng dẫn để tránh chảy máu chân răng sau khi đánh răng. Hãy chuẩn bị cho con một chiếc bàn chải mềm mại và phù hợp với con để sử dụng hàng ngày.
1.2. Do vệ sinh răng miệng chưa kỹ lưỡng
Bánh kẹo, đồ ngọt, thức ăn… luôn dễ dàng tồn đọng lại ở các kẽ răng của trẻ. Nếu không được làm sạch kỹ càng, đây chính là môi trường thuận lợi để vi khuẩn sinh sôi và tấn công. Việc không đảm bảo vệ sinh chính là nguyên nhân gây nên viêm lợi và chảy máu chân răng ở trẻ nhỏ.
1.3. Do thiếu hụt vitamin cần thiết
Một số loại vitamin như vitamin C, vitamin K, vitamin B… là nhóm các vitamin ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe răng miệng. Nếu bị thiếu hụt chúng, trẻ rất dễ mắc phải vấn đề viêm lợi hoặc chảy máu chân răng.
>>> Chảy máu chân răng: Thiếu chất gì và cách khắc phục hiệu quả
1.4. Do các bệnh lý về răng miệng
Việc viêm lợi chảy máu chân răng ở trẻ cũng là dấu hiệu cảnh báo các bệnh về răng miệng như: viêm loét niêm mạc lưỡi, do trẻ mọc răng, nhiễm trùng sưng mủ… Cha mẹ nên lưu ý và can thiệp điều trị sớm cho con.
2. Biểu hiện ở trẻ
Các biểu hiện ban đầu của viêm lợi chảy máu chân răng ở trẻ nhỏ mà chúng ta có thể dễ dàng quan sát nhận thấy là:
- Giai đoạn ban đầu, trẻ chưa cảm thấy khó chịu hay có dấu hiệu bất thường nào
- Phần lợi dần chuyển sang màu đỏ đậm, không hồng hào như bình thường
- Nướu sưng hơn, trẻ cảm thấy đau nhức
- Một số trường hợp còn xuất hiện các vết loét tương tự như nhiệt miệng
- Trẻ có thể bị sốt, mệt mỏi nếu bệnh tiến triển nặng
- Cảm giác đau và khó chịu khiến trẻ biếng ăn, bỏ bữa
Viêm lợi hoặc chảy máu chân răng khiến trẻ không hứng thú, chán ăn. Thêm vào đó, tình trạng này ở trẻ nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến các bệnh lý khác như viêm nha chu hoặc ảnh hưởng đến răng vĩnh viễn của trẻ.
3. Cách chữa cho trẻ
3.1 Hướng dẫn trẻ cách vệ sinh răng miệng đúng cách
Một thói quen chăm sóc răng miệng đúng cách và được xây dựng từ bé sẽ giúp con giữ được vệ sinh và có hàm răng chắc khỏe. Nếu trẻ bị chưa khỏi, cha mẹ có thể cho con dùng nước súc miệng để vệ sinh. Vì khi chưa được chữa khỏi, phần nướu của con vẫn dễ bị tổn thương khi đánh răng và càng khiến tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn.
3.2 Thăm khám bác sĩ, lấy cao răng
Khi tình trạng này lâu ngày chưa khỏi, cha mẹ nên đưa con đến các cơ sở y tế để được thăm khám và uống/ bôi thuốc điều trị nếu cần. Nếu trẻ đã mọc răng vĩnh viễn, cha mẹ cũng có thể cho con lấy cao răng mỗi 6 tháng.
3.3 Chú ý đến chế độ ăn uống của trẻ
Cha mẹ nên để ý đến các loại thức ăn, thức uống hàng ngày của con. Bổ sung đầy đủ các nhóm chất, các loại vitamin, đặc biệt là những loại thực phẩm giàu vitamin C, B và kẽm. Tránh và hạn chế để con ăn nhiều đồ ngọt hoặc đồ cay nóng.
Viêm lợi và chảy máu chân răng ở trẻ khiến con cảm thấy không thoải mái, đau nhức, khó chịu. Vì vậy, cha mẹ cần chú ý đến chế độ ăn uống và vệ sinh răng miệng của trẻ để phòng ngừa và điều trị bệnh hiệu quả.